Chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn khiến người phụ nữ gặp phải nhiều phiền toái trong cuộc sống, nguy hiểm hơn ẩn chứa các nguy cơ bệnh lý do suy giảm rối loạn bộ hormone nữ, nhất là khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh.
Kinh nguyệt đều đặn, sức khỏe ổn định
Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ được điều chỉnh bởi nhiều hormone sinh sản, vừa độc lập vừa tương tác với nhau. Những thay đổi trong chu kỳ kinh được thực hiện thông qua tác động của các hormone FSH và LH của thùy trước tuyến yên dưới ảnh hưởng của hormone GnRH của vùng dưới đồi; sau đó, chịu sự chi phối của ba hormone giới tính chính progesterone, estrogen và testosterone do buồng trứng tiết ra.
Những tương tác này được chỉ huy nhờ hệ trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng. Cơ chế “ra mệnh lệnh – báo cáo phản hồi ngược” và “tự điều chỉnh” diệu kỳ giúp hệ trục hoạt động nhịp nhàng từ thần kinh xuống các nhà máy sản xuất hormone đúng với nhu cầu của cơ thể. Hàng tháng, bộ hormone nữ sẽ chuẩn bị cơ thể thật tốt để đón nhận một thai kỳ, và nếu trứng không được thụ tinh, kinh nguyệt sẽ xuất hiện.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân thường gặp sâu xa khiến chu kỳ kinh nguyệt rối loạn khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh là do hệ trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng suy yếu, dẫn đến việc sản xuất bộ hormone nữ bị thiếu hụt hoặc mất cân bằng.
Chu kỳ lạc điệu, cơ thể chao đảo
Theo các chuyên khoa Phụ sản và Sinh sản lâm sàng thuộc ĐH California, San Francisco – Mỹ), trong độ tuổi 30 – 45, ít nhất 30% phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt. Chu kỳ có thể quá ngắn dưới 25 ngày hoặc quá dài trên 35 ngày, hoặc kinh nguyệt ra lượng nhiều và kéo dài nhiều ngày (rong kinh, rong huyết), hoặc không có kinh.
Rối loạn kinh nguyệt thường do chu kỳ không phóng noãn. Vào giai đoạn này, buồng trứng dần dần bị lão hóa, dự trữ nang noãn thấp, nang noãn không phát triển đồng loạt, không có nang vượt trội rồi trưởng thành và phóng noãn đều mỗi tháng. Nồng độ estrogen và progestrogen dao động xuống thấp, trong khi những hormone khác như FSH lại tăng cao ở đầu chu kỳ kinh nguyệt.
Hormone trồi lên sụt xuống thất thường khiến cơ thể khó thích nghi, nên xuất hiện nhiều bất ổn như: rối loạn vận mạch gây bốc hỏa, vã mồ hôi đêm, đau nhức cơ thể, rối loạn tâm thần kinh, tim đập nhanh, dễ nóng giận, âm đạo teo khô, giảm ham muốn, tiểu gấp v.v…
Chăm sóc hệ trục, cải thiện bộ hormone nữ
Một khi bộ hormone nữ trồi sụt thất thường gây rối loạn kinh nguyệt, biện pháp bổ sung nội tiết trực tiếp (viên đặt âm đạo, uống, chích, miếng dán) thường giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, không ít bằng chứng cho thấy liệu pháp thay thế nội tiết tố này có thể có tác dụng phụ cao, đặc biệt là tăng nguy cơ ung thư tử cung và vú, tăng các tai biến tim mạch, đột quỵ…