Trong các căn bệnh thường thấy ở trẻ sơ sinh, có lẽ chàm sữa là nỗi lo lắng ám ảnh của nhiều bà mẹ bởi sự khó chịu của con trẻ. Hôm nay Cẩm Nang Làm Đẹp xin chia sẻ cách nhận biết dấu hiệu chàm sữa ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân và cách điều trị bệnh. Các mẹ hãy cùng tham khảo nhé!
Nhận biết dấu hiệu chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện nhiều ở mặt, nhất là hai bên má. Theo thời gian chàm sữa có thể lan ra khắp người, chủ yếu là vùng ngực, bụng, lưng, kẽ tay,…
Dấu hiệu ban đầu của chàm sữa ở trẻ sơ sinh là da trẻ trở nên thô ráp hơn bình thường (vốn dĩ làn da em bé rất mịn mỏng và mượt). Các vảy nhỏ li ti xuất hiện, sau đó là mẩn đỏ từng mảng, trở thành mụn nước nhỏ, rịn nước.
Tiếp theo, da bé bắt đầu khô, kéo căng và nứt ra, rất nhức và ngứa, có thể rỉ nước hơi tanh. Các bé hay quơ tay chà gãi nên dễ bị vỡ mụn nước, gây lây lan ra các vùng da lành. Có khi vì cọ gãi quá mạnh khiến da chảy máu, nhiễm trùng.
Sau khoảng 1 tuần, lớp da trầy xước đóng vảy, bong dần, da non tái tạo gây sẹo, nếp gấp, hóa lớp da sừng cứng. Về lâu dài, nếu không điều trị đúng cách, sẽ để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ cho da bé sau này.
Trong thời gian bị chàm sữa, các bé rất ngứa ngáy, khó chịu nên trằn trọc, khó ngủ và hay quấy khóc. Tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, làm sụt cân, cơ thể yếu ớt và dẫn đến các bệnh khác.
Nguyên nhân gây bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Chưa có thông tin chính thức xác định nguyên nhân gây bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh. Muốn biết chắc chắn, các mẹ cần cho bé thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, nếu kể ra, bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh có thể xuất hiện do sự kết hợp của hai yếu tố: cơ địa bẩm sinh và sự tác động bên ngoài.
Những trẻ có cơ địa dễ dị ứng thường có cha mẹ mắc bệnh hen suyễn, mề đay, bệnh về da,… và di truyền sang cho trẻ. Việc mẹ ăn nhiều hải sản, đồ ăn giàu chất đạm trong quá trình mang thai hay cho con bú nhưng cơ thể bé không thể thích ứng kịp cũng gây ra vấn đề dị ứng da và khiến bé bị chàm sữa.
Những tác nhân bên ngoài có thể khiến da bé dị ứng như khói bụi, lông thú cưng (chó, mèo,..), thời tiết, đồ chơi của bé, các loại nấm mốc tại môi trường sống, các con vật kí sinh (ve, bọ chét), quần áo lạ không sạch sẽ, bụi vải,…
Đôi khi bạn có thể dựa vào dấu hiệu chàm sữa ở trẻ sơ sinh để xác định lý do gây bệnh. Ví dụ như dấu hiệu của bệnh xuất hiện ở vùng tay, cần kiểm tra đồ chơi của trẻ, các vật dụng mà trẻ cầm nắm hàng ngày, từ bao tay đến mền đắp,…
Việc xác định rõ nguyên nhân gây chàm sữa sẽ giúp các mẹ có được cách chăm sóc, phòng và chữa bệnh phù hợp hơn.
Điều trị chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Bất kể bệnh chàm sữa ở trẻ xuất hiện là do nguyên nhân nào thì cha mẹ cũng nên tìm cách hạn chế những yếu tố gây bệnh bên ngoài như thức ăn, thời tiết, môi trường sống. Nguyên tắc đầu tiên cần nhớ đó là giữ cho trẻ và môi trường sống của trẻ được sạch sẽ. Thường xuyên giặt sạch phơi khô những vật dụng như mền, gối, vớ, bao tay, tả lót, quần áo,… Giữ ấm cho bé nhưng đừng quá nóng.
Đồng thời người mẹ cần ăn những thức ăn lành mạnh, nhiều rau quả tươi xanh khi cho con bú sữa. Mẹ nên tránh cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm dễ gây kích ứng hoặc lên men như đồ biển, trứng, đậu phộng,… Ngoài ra, nếu bé chưa đủ 6 tháng thì không nên cho bé ăn dặm hoặc bú sữa bình quá sớm. Sữa mẹ vẫn là tốt nhất cho trẻ sơ sinh.
Vậy, chăm sóc trẻ sơ sinh bị chàm sữa như thế nào?
Nếu trẻ bị chàm sữa, mẹ nên chú ý những điều sau đây khi chăm sóc cho trẻ để tránh tình trạng bệnh trở nặng:
- Không nên tắm cho trẻ sơ sinh quá lâu trong nước xà phòng hay sữa tắm.
- Tốt nhất nên tắm cho bé bằng nước ấm để giảm tình trạng ngứa hoặc nhiễm khuẩn khi bé gãy.
- Lựa chọn loại sữa tắm dịu nhẹ nhất, ít tạo bọt, không chất tẩy rửa.
- Có thể sử dụng hoa cúc khô, lá trà xanh, lá dâu tằm, lá ổi, lá sim,… để nấu nước tắm cho bé.
- Thường xuyên cắt móng tay, chân và hạn chế không cho bé gãi vào các vùng mẫn ngứa.
- Cho bé mặc các loại quần áo mềm, bằng bông để tránh gây tổn thương da.
- Nên thay tã 3 lần/ngày và thay quần áo ngay sau khi tắm cho bé để tránh mồ hôi gây ẩm ướt khó chịu.
- Thoa nha đam để làm dịu bớt sự ngứa ngáy, khó chịu của bé.
Nguyên tắc quan trọng nhất cần nhớ khi bé bị chàm sữa là các mẹ không nên tự ý mua thuốc ngoài tiệm và thoa cho bé. Sau khi phát hiện những dấu hiệu chàm sữa ở trẻ sơ sinh, các mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để bác sĩ khám xác định nguyên nhân, tình trạng của bệnh.
Tùy vào tình trạng của bệnh, cơ địa mỗi bé mà bác sĩ sẽ có toa thuốc đặc trị riêng. Các mẹ nên tuân thủ yêu cầu chữa bệnh của bác sĩ để tránh tình trạng bệnh nặng thêm.
- Xem thêm: Cách chữa chàm đỏ ở trẻ sơ sinh
Hi vọng những thông tin ở bài viết sẽ giúp ích cho các mẹ trong quá trình chăm sóc các bé bị chàm sữa.