Nghiên cứu dẫn đầu bởi Elizabeth Broadbent, một giảng viên tâm lý học sức khỏe tại Đại học Auckland, New Zealand khảo sát 49 người cao tuổi khỏe mạnh, tuổi từ 64 đến 97. Trong ba ngày, nửa nhóm được yêu cầu viết 20 phút mỗi ngày về sự kiện đau buồn nhất từng trải qua, họ được khuyến khích nên cởi mở và thẳng thắn khi mô tả về trải nghiệm đau thương của bản thân.
Trong khi đó, nhóm còn lại sẽ viết về kế hoạch dự định cho ngày hôm sau, tránh đề cập đến cảm xúc, các ý kiến hay niềm tin. Hai tuần sau, các nhà khoa học gây tê và tạo một vết thương nhỏ trên cánh tay của tất cả người tham gia. Các tế bào da được sử dụng trong một nghiên cứu khác.
Một tuần sau, Broadbent và các đồng nghiệp bắt đầu chụp ảnh các vết thương của người tham gia mỗi lần từ 3 đến 5 ngày cho đến khi họ hoàn toàn bình phục.
Kết quả, mười một ngày sau khi vết thương được tạo ra, 76% người trong nhóm viết về tổn thương tinh thần của bản thân, đã hoàn toàn lành vết thương; trong khi số người hồi phục hoàn toàn ở nhóm khác chỉ là 42%.
“Nghiên cứu cho thấy viết lách về các sự kiện đau buồn cá nhân có thể tăng tốc độ hồi phục vết thương ở người cao tuổi”, Broadbent nói.
Viết về trải nghiệm đau thương giúp ích cơ thể phát triển giấc ngủ tốt hơn. Bởi lẽ, mất ngủ có thể làm giảm mức độ hormone tăng trưởng – phần quan trọng trong quá trình phục hồi tổn thương.
“Chúng tôi nhận thấy những người ngủ ít nhất 7 giờ chữa lành nhanh hơn so với những người ngủ ít hơn. Nhiều người viết về kinh nghiệm tiêu cực của họ cho biết nó giúp họ có được cái nhìn sâu sắc hơn vào những gì đã xảy ra và có quan điểm tích cực hơn. Điều này có thể làm giảm mức độ các sự kiện quấy rầy họ và cải thiện giấc ngủ tốt hơn”, Heidi Koschwanez, đồng nghiên cứu tại Đại học Auckland cho biết.
Ngoài ra, viết lách cũng có thể giúp cơ thể bằng cách giảm hormone căng thẳng, loại hormone gây cản trở các hóa chất cần thiết để chữa lành vết thương.
Đây không phải là lần đầu tiên giới khoa học phát hiện mối liên hệ thú vị giữa trạng thái tinh thần và sức khỏe thể chất trong việc viết lách. Trong nghiên cứu trước đây, việc viết lách biểu đạt cảm xúc giúp bệnh nhân nhiễm HIV giảm tải lượng virus và tăng mức độ tế bào miễn dịch chống virus.
Tuy nhiên, viết về tình cảm tiêu cực không phải hữu ích cho tất cả mọi người. Trong nghiên cứu tháng trước, khi một số người viết về tổn thương tồi tệ nhất của mình, lo lắng của họ thực sự tăng lên. Mặc dù đối với những người hay cởi mở về mặt tình cảm, cho thấy sự giảm sút trong mức độ lo lắng. Điều đó chứng tỏ rằng những người khác nhau sẽ có những cách khác nhau để đối phó với sự kiện tổn thương tâm lý.
Viết lách có thể là một lối thoát hiệu quả đối với những người thích cởi mở và biểu lộ cảm xúc, giúp họ hồi phục cả thể chất lẫn tinh thần. Mặt khác, nếu ép buộc người khác bày tỏ cảm xúc khi họ không muốn có thể làm tăng nguy cơ PTSD (rối loạn lo âu)
Nguyên Trường (theo healthland)