Bé đang nằm chơi trên võng thì ngã sấp mặt vào đống lá dừa, bị cây kim khâu lá (còn gọi cây lẹm) đâm vào mắt bên trái. Bệnh nhi đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 với vết khâu được xử lý ban đầu tại bệnh viện ở Sóc Trăng. Kết quả siêu âm phát hiện có dị vật nằm ở ngay vị trí phần mềm của góc mắt với bờ dưới mí mắt.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết sau khi gây mê, trong khoảng 30 phút các bác sĩ mổ vẫn không tìm ra dị vật nên đành đóng vết mổ lại. Bước vào cuộc mổ lần hai sau đó vài ngày, ê kíp nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ siêu âm ngay tại giường nhưng một lần nữa thất bại. Sau khi bàn bạc, các bác sĩ quyết định chụp CT cắt lớp.
Dị vật hình chữ U là phần đuôi của kim may lá dừa. Ảnh: Lê Phương. |
Kết quả chụp CT phát hiện bệnh nhi có dị vật hình chữ U, mỗi cạnh khoảng 10,5 mm đã di chuyển và đâm vào bờ dưới của xương hốc mắt đến tận đỉnh của xoang hàm. Các bác sĩ đã tiến hành ca mổ lần 3 với lượng máu mất khá nhiều để đưa thành công dị vật ra ngoài. Phần kim khâu này đã bắt đầu gỉ sắt sau 8 ngày nằm trong cơ thể bé.
“Những dị vật sắc nhọn thường di chuyển gây khó khăn cho việc phẫu thuật. Đã siêu âm, đánh dấu xong nhưng khi lên bàn phẫu thuật, vào vết mổ thì dị vật không còn ở vị trí cũ nên không thể tìm ra”, bác sĩ Hằng chia sẻ. Đến lúc dị vật cắm sâu bờ dưới của xương hốc mắt thì mới định vị lại bằng chụp CT, từ vị trí ban đầu đến nơi dị vật nằm khoảng 2,5 cm.
Sau mổ gắp thành công dị vật, sức khỏe bé trai hồi phục ổn định. Ảnh: Lê Phương. |
Sau mổ 3 ngày, sức khỏe bé trai hồi phục ổn định và xuất viện chiều 28/12. Theo bác sĩ Hằng, nếu dị vật này đâm vào nhãn cầu hoặc vị trí khác thì sẽ nguy hiểm khó lường hơn nữa. Những dị vật sắt nhọn cần phải để xa vị trí chơi đùa của trẻ để tránh tai nạn xảy ra.
Lê Phương