Cẩm Nang Làm Đẹp đã từng chia sẻ rằng bệnh chàm hay eczema có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu người bệnh lại tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng thì bệnh có thể quay lại. Vậy, làm gì khi bệnh chàm tái phát, hãy cùng theo dõi bài viết này bạn nhé.
Tại sao bệnh chàm tái phát?
Bệnh chàm có thể tái phát bởi bệnh nhân tiếp xúc lại với những chất gây dị ứng như khói, bụi, môi trường ẩm mốc, kim loại,… Đặc biệt, nếu thời tiết chuyển lạnh hoặc khô hanh, bệnh chàm sẽ dễ tái phát hơn.
Khi khí trời khô hanh, độ ẩm thấp, da thường dễ mất nước và bị khô hơn. Da khô quá mức mà không được dưỡng ẩm sẽ dễ gây ngứa trở lại. Đồng thời, nếu thời tiết thay đổi rõ rệt hoặc đột ngột từ ấm sang lạnh, cơ thể không kịp thích ứng cũng có khả năng khiến người bệnh bị kích ứng, tái phát bệnh chàm.
Ngoài những nguyên nhân ở trên, thì điều quan trọng nhất là vấn đề vệ sinh cơ thể của người bệnh. Người bị chàm sau khi khỏi bệnh, không tiếp xúc với bất kỳ tác nhân gây bệnh nào, nhưng chỉ cần không thường xuyên dưỡng ẩm cho da, không tắm rửa sạch sẽ, thì bệnh chàm sẽ quay lại ngay.
Cách ngăn ngừa bệnh chàm tái phát
Để phòng ngừa bệnh chàm tái phát trở lại, người bệnh có thể tham khảo một số lời khuyên dưới đây:
Chăm sóc da đúng cách
Đối với người đã từng bị bệnh chàm nói riêng, và tất cả mọi người nói chung, điều quan trọng là cần giữ gìn vệ sinh cơ thể. Bạn không nhất thiết phải tắm quá nhiều lần trong ngày, hay khi tắm kỳ cọ thiệt mạnh cho sạch tế bào chết thì mới là sạch sẽ. Mỗi ngày bạn chỉ cần tắm 1 lần để làm sạch cơ thể, khi nào hoạt động nhiều thì lau khô mồ hôi, và tắm sạch thêm lần nữa. Ngoài ra, những người bị chàm không nên tắm hay rửa tay bằng nước nóng, chỉ nên sử dụng nước ấm, bởi nước quá nóng có thể khiến da bị khô và bệnh nặng hơn.
Quần áo và các vật dụng sinh hoạt phải luôn được giặt giũ giữ sạch hàng ngày. Tránh xài đồ bị nấm mốc, có mùi hôi.
Bên cạnh đó, việc giữ ẩm cho da cũng rất cần thiết. Bởi da khô dễ nứt nẻ và tái phát bệnh chàm. Nên người bệnh cần dưỡng da bằng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, nhất là vào mùa đông. Bạn cũng phải tránh việc cào ngãi da mỗi khi có dấu hiệu ngứa hay mẩn đỏ. Da xước dễ gây kích ứng hơn rất nhiều.
Giữ ấm cho cơ thể
Bất kể ai cũng cần giữ ấm cho cơ thể vào những ngày trời lạnh để khỏi mắc những căn bệnh thông thường như cảm sốt, viêm xoang, … Người bị bệnh chàm đặc biệt hơn, phải tuyệt đối tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Để tránh bệnh chàm tái phát, khi nhiệt độ xuống thấp, người bệnh nên đeo găng tay, khăn quàng cổ và đội mũ khi ra ngoài để da không bị lạnh.
Ăn uống lành mạnh
Thức ăn ảnh hưởng khá nhiều đến người bị bệnh chàm. Một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, trái cây tươi, bổ sung vitamin D, vitamin C sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, kháng lại căn bệnh dễ tái phát này. Bạn có thể tham khảo bài viết Bệnh chàm da kiêng ăn gì để nhanh chóng khỏi bệnh để biết thêm chi tiết.
Sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ
Với trường hợp chàm xuất hiện mủ rịn nước, bệnh nhân thường được khuyên dùng thuốc tím pha loãng để ngâm rửa thương tổn, thoa các dung dịch màu như màu xanh Methylene, màu đỏ Eosine, màu tím Gentian…
Những người bị chàm làm nứt nẻ ở bàn chân, gót chân thì việc bảo vệ bàn chân khỏi nguồn không khí lạnh như mang vớ mềm và thoa liên tục các chất giữ ẩm để làm mềm da là rất cần thiết.
Các loại thuốc uống giúp an thần, giảm ngứa, giải mẫn cảm, kháng sinh hoặc các loại thuốc thoa có chứa chất corticosteroid, chất điều hòa miễn dịch, chất tiêu sừng… sẽ được bác sĩ chuyên khoa kê đơn tùy theo tuổi tác, cơ địa bệnh nhân, vị trí thương tổn, nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ, giai đoạn bệnh.
Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc không kê đơn để điều trị chàm, vì có thể gây bội nhiễm khiến bệnh chữa mãi không khỏi.
Với những chia sẻ ở trên, mong rằng các bạn sẽ không gặp phải tình trạng bệnh chàm tái phát. Chúc các người bị chàm mau chóng chữa khỏi bệnh.